Những kế hoạch ban đầu Chiến_dịch_Na_Uy

Kế hoạch của Đồng Minh

Thất bại của kế hoạch đổ bộ tại Na Uy đã làm sụp đổ chính phủ Pháp của thủ tướng Édouard Daladier. Cùng với việc kết thúc cuộc Chiến tranh mùa đông, phe Đồng Minh nhận định rõ ràng rằng việc chiếm cứ Na Uy hay Thụy Điển bây giờ là lợi bất cập hại, và có thể đẩy các quốc gia trung lập này liên minh với Đức. Tuy nhiên, Thủ tướng mới của Pháp, Paul Reynaud, có một lập trường tích cực hơn người tiền nhiệm của mình và muốn tiến hành một số hành động cụ thể trong việc đối đầu với Đức.[13] Churchill thì ra sức vận động cho việc tấn công chiếm đóng Na Uy, vì ông ta muốn các cuộc giao tranh nằm cách xa Anh và Pháp để tránh sự tàn phá trong lãnh thổ Đồng Minh đã từng diễn ra trong lần thế chiến trước đây. Ông ta thấy rằng con đường tiến vào Đức là từ hướng bắc.

Ngày 28 tháng 3 năm 1940, tại số 10 phố Downing đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Tối cao liên quân Đồng Minh, tại đó họ quyết định gửi một công hàm có tính đe dọa cho Thụy Điển và Na Uy vào ngày 2 tháng 4.[12]

Kế hoạch rải mìn hải quân của Churchill, chiến dịch Wilfred, cuối cùng đã được thông qua. Kế hoạch này nhằm mục đích buộc các tàu vận tải Đức không còn nơi trú ẩn phải đi vào hải phận quốc tế, tại đó Hải quân Hoàng gia Anh có thể chặn đánh và tiêu diệt chúng. Đi cùng với nó là kế hoạch R 4, mà theo đó, một khi mà gần như chắc chắn Đức sẽ phản ứng đối phó lại với chiến dịch Wilfred, thì Đồng Minh sẽ nhân cơ hội này tiến hành chiếm đóng TrondheimBergen, rồi phá hủy trạm hàng không có tầm quan trọng chiến lược Sola gần Stavanger.

Phe Đồng Minh không nhất trí với việc cho triển khai thêm chiến dịch Royal Marine cho rải mìn ở cả sông Rhine. Trong khi Anh tán thành hoạt động này, thì Pháp lại phản đối, do họ cũng phải phụ thuộc nhiều vào con sông này và lo sợ Đức sẽ tiến hành trả đũa lại trên đất Pháp. Vì sự trì hoãn này, chiến dịch Wilfred, ban đầu dự kiến bắt đầu vào ngày 5 tháng 4, đã bị dời sang ngày 8 tháng 4 khi mà người Anh đồng ý cho thực hiện các hoạt động tại Na Uy độc lập riêng biệt với vùng lục địa.[13]

Kế hoạch của Đức

Bản kế hoạch toàn diện đầu tiên mang tên Studie Nord được hoàn thiện vào ngày 10 tháng 1 năm 1940. Ngày 27 tháng 1, Hitler lại ra lệnh phát triển một kế hoạch mới mang tên Weserübung (mật danh đặt theo tên của con sông Weser, với từ Übung có nghĩa là "bài diễn tập" trong tiếng Đức). Công việc xây dựng Weserübung bắt đầu ngày 5 tháng 2 năm 1940.[19]

Sau một thời gian dài không được coi trọng, chiến dịch Weserübung đã bắt đầu có một ý nghĩa rất cấp bách kể từ sau sự kiện Altmark. Mục tiêu chính của cuộc xâm lược là nắm lấy các cảng biển và mỏ quặng, trong đó Narvik là ưu tiên số một, và thiết lập quyền kiểm soát vững chắc tại quốc gia này nhằm ngăn cản họ hợp tác với Đồng Minh. Nó được cho là một sự bảo vệ bằng vũ trang đối với sự trung lập của Na Uy.

Một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ những người lên kế hoạch ở Đức là việc cần thiết phải chiếm đóng Đan Mạch như một phần của kế hoạch chung. Đan Mạch được cho là giữ một tầm quan trọng rất lớn vì có vị trí địa lý rất thuận tiện cho việc kiểm soát quy mô lớn vùng trời và biển trong khu vực. Một số vẫn muốn đơn giản là tạo áp lực ngoại giao bắt Đan Mạch phải quy phục, như vậy sẽ an toàn hơn việc sử dụng vũ lực.

Một lý do khác dẫn đến việc phải chỉnh sửa thêm cho kế hoạch là Kế hoạch Vàng, cuộc tấn công dự kiến vào miền bắc Pháp và Vùng Đất Thấp, sẽ đòi hỏi cần đến rất nhiều lực lượng của Đức. Do phải điều động ở mức độ sư đoàn, chiến dịch Weserübung không thể tiến hành cùng lúc với kế hoạch này, và vì màn đêm, vỏ bọc che chở quan trọng cho cuộc hành quân của lực lượng hải quân, đang ngày càng rút ngắn đi khi mùa xuân đến, nên càng phải tiến hành kế hoạch sớm hơn. Cuối cùng, vào ngày 2 tháng 4, đã có quyết định chọn ngày 9 tháng 4 là ngày bắt đầu cuộc xâm lăng (mang mật danh Wesertag - ngày Weser), và thời điểm 4h15 (giờ Na Uy) sẽ là giờ đổ bộ (mật danh Weserzeit - giờ Weser).[19]

Tại Na Uy, kế hoạch đòi hỏi phải chiếm được 6 mục tiêu chính bằng đòn tấn công đổ bộ: Oslo, Kristiansand, Egersund, Bergen, TrondheimNarvik. Ngoài ra, lực lượng lính dù hỗ trợ (Fallschirmjäger) sẽ chiếm các vị trí trọng yếu khác như các sân bay tại Fornebu ở vùng ngoại ô Oslo và Sola bên ngoài Stavanger. Kế hoạch được bố trí nhằm nhanh chóng áp đảo quân phòng thủ Na Uy và chiếm đóng các khu vực quan trọng này trước khi bất kỳ một hình thức kháng chiến có tổ chức nào có thể phát triển. Bố trí quân đội Đức gồm có:[21]

Thêm vào đó, các thiết giáp hạm ScharnhorstGneisenau sẽ hộ tống nhóm 1 và nhóm 2 khi chúng còn cùng di chuyển với nhau, và còn nhiều đội hình tàu chở dầu mang đến thêm quân, nhiên liệu và trang thiết bị quân sự.

Đối với Đan Mạch, 2 lữ đoàn cơ giới được huy động để chiếm các cây cầu và bắt giữ quân đội đối phương; không quân Đức (Luftwaffe) sẽ chiếm Copenhagen; và lính dù sẽ được điều đi chiếm các sân bay ở phía bắc. Dù có khá nhiều nhóm quân được bố trí cho cuộc xâm lược này, nhưng không nhóm nào trong số đó có trang bị tàu lớn.

Đức hy vọng rằng có thể tránh được xung đột vũ trang với dân cư bản địa ở cả hai quốc gia này, và quân Đức được chỉ thị là chỉ nổ súng trong trường hợp bị tấn công trước. Chính phủ Đức đã tuyên bố trong tương lai họ sẽ không vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Na Uy (và cả Đan Mạch), đổi lại họ mong đợi người Na Uy sẽ không tiến hành kháng cự một cách ngu ngốc, vì như vậy sẽ chỉ dẫn đến đổ máu vô ích.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Na_Uy http://www.achtungpanzer.com/articles/norway.htm http://www.blackvault.com/documents/ADA394016.pdf http://www.feldgrau.com/norwegian.html http://hem.fyristorg.com/robertm/norge/index.html http://www.magweb.com/sample/sconflic/co03wese.htm http://www.magweb.com/sample/sconflic/co03wesm.htm http://stonebooks.com/archives/090607.shtml http://digital.library.wisc.edu/1711.dl/FRUS.FRUS1... http://www.history.army.mil/books/70-7_0.htm http://www.history.army.mil/books/70-7_02.htm